Thứ Hai, 25 tháng 1, 2016

Lần đầu tiên có Nghị quyết về Chính phủ điện tử

(PCWorldVN) Việc thực hiện Nghị quyết về Chính phủ điện tử sẽ giúp nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước, đáp ứng, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Chiều 20/10, tại Cổng Thông tin điện tử (TTĐT) Chính phủ, Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức thông tin cho báo chí xung quanh việc ban hành Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin.

Cùng dự có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Thành Hưng, Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ Vi Quang Đạo cùng đại diện một số đơn vị của VPCP, Bộ TTTT.
Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà cho biết, Việt Nam có nhiều dự án, chương trình về công nghệ thông tin, nhưng đây là lần đầu tiên Chính phủ ban hành một Nghị quyết về Chính phủ điện tử. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của Nghị quyết này.

aa
Phó Chủ nhiệm VPCP, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT(phải) và Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng chủ trì cuộc họp - Ảnh: ICTNews/Mic.gov.vn

Nghị quyết này được ban hành với kỳ vọng nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước; đáp ứng, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; thúc đẩy cải cách hành chính; tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế khi nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới.

3 nhiệm vụ, 4 giải pháp trọng tâm
Giới thiệu về Nghị quyết 36a/NQ-CP, ông Lê Mạnh Hà cho biết, Nghị quyết hướng tới 3 mục tiêu chủ yếu để xây dựng Chính phủ điện tử là: Liên thông văn bản điện tử từ Chính phủ đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; 100% dịch vụ công được cung cấp qua mạng điện tử; Xây dựng Cổng dịch vụ công Quốc gia tại một địa chỉ duy nhất trên mạng điện tử.

Để triển khai 3 nội dung nêu trên một cách hiệu quả, phải thực hiện 4 giải pháp về đầu tư và tài chính, nhân lực, triển khai và kỹ thuật và cuối cùng là tổ chức.

Ông Lê Mạnh Hà cũng cho biết, VPCP đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thử nghiệm kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản từ VPCP với các bộ, ngành, địa phương.
Thực hiện từ tháng 7 đến thời điểm ngày 19/10, có 27 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 3 bộ đã thực hiện kết nối, liên thông thử nghiệm phần mềm quản lý văn bản với hệ thống giả lập của VPCP.

Trong đó, có một bộ và 19 địa phương đã liên thông gửi nhận văn bản và phản hồi trạng thái xử lý, gồm Bộ Y tế, các tỉnh Yên Bái, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Bình Định, Gia Lai, Đà Nẵng, TP.HCM, Cà Mau, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Vĩnh Long.

Phó Chủ nhiệm VPCP, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin Lê Mạnh Hà. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Theo ông Hà, điểm mới của Nghị quyết này so với với những chương trình, dự án trước đó là sẽ tập trung vào việc kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản đang còn rời rạc của các bộ, ngành, địa phương lại.

“Chúng ta không xây dựng mới mà sử dụng tất cả những cái đã có để tiết kiệm chi phí”, ông Lê Mạnh Hà nói. Hơn nữa, việc làm này sẽ giúp các hệ thống hiện tại hoạt động bình thường, không bị đình trệ trong quá trình triển khai kết nối.

Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà cho biết, việc ứng dụng Chính phủ điện tử sẽ giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí và thời gian cho người dân, doanh nghiệp và các cơ quan hành chính, kiểm soát được những sai sót khi làm thủ tục, tiết kiệm giấy tờ hành chính. Ngoài ra, việc công khai, minh bạch trên mạng điện tử sẽ làm giảm bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.

Cần quyết liệt trong triển khai
Về sự sẵn sàng tham gia của bộ, ngành, địa phương cũng như doanh nghiệp và người dân, Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà cho biết, trong thời đại công nghệ thông tin là một thứ thiết yếu, bất cứ cơ quan, cá nhân nào cũng có máy tính hay điện thoại di động thì có thể nói là đã sẵn sàng. Tuy vậy, việc sẵn sàng sử dụng các ứng dụng của Chính phủ điện tử vẫn ở mức độ chưa cao.
Có ý kiến cho rằng mục tiêu đến cuối năm 2016, tất cả các dịch vụ công phải ở mức độ 3, mức độ 4 là khó khả thi. Chính vì vậy, để thực hiện mục tiêu đề ra, trong thời gian tới cần triển khai một cách quyết liệt, thậm chí mang tính áp đặt nếu cần thiết.

Ông Lê Mạnh Hà cho rằng các bộ, ngành, địa phương đều mong muốn và sẵn sàng thực hiện. Tuy vậy, cũng cần phải có sẵn các công cụ như những giải pháp cụ thể, phần mềm, kinh phí “để áp đặt” cho các đơn vị chưa sẵn sàng.

“Chúng ta thực hiện trên cơ sở sẵn sàng, tự giác nhưng phải quyết liệt và có chế tài cụ thể”, ông Lê Mạnh Hà nói.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng cho biết, trong Nghị quyết, bên cạnh các giải pháp nâng cao sự sẵn sàng của các bộ, ngành, địa phương cũng có giải pháp nâng cao nhận thức về công nghệ thông tin của người dân do Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện.
Theo ông Nguyễn Thành Hưng, nếu như cơ quan Nhà nước đã sẵn sàng cung cấp dịch vụ công mà người dân không biết sử dụng công nghệ thông tin thì mục tiêu đến năm 2016 cũng khó thực hiện.

Ông Hưng cho biết, VPCP và Bộ TTTT sẽ phối hợp làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, ứng chiếu với các nhu cầu của thực tiễn, để đưa việc nâng cao nhận thức của người dân về công nghệ thông tin vào trong chương trình giáo dục.
Nhật Thy
(Theo chinhphu.vn)

Ứng dụng CNTT là giải pháp cốt lõi để cải cách hành chính và quản lý đô thị

(PCWorldVN) Đó là nhận định được Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đưa ra trong nội dung phát biểu tại Lễ trao giải Top 5 và Huy chương vàng ICT 2015 do Hội Tin học Thành phố tổ chức vào tối 23/9.
Theo lời Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Tất Thành Cang, nếu xét về tỷ trọng đóng góp vào GDP của thành phố thì mảng dịch vụ chiếm 59%, trong đó có hai dịch vụ mà Thành phố đang phát triển mạnh là dịch vụ CNTT, phần mềm và dịch vụ tài chính; và rõ ràng điều này cho thấy trong sự phát triển của Thành phố thì vai trò của ngành CNTT là hết sức quan trọng.
Trong cơ cấu phát triển kinh tế của Thành phố, ông Cang cho biết, hơn 50% là của doanh nghiệp (DN) tư nhân, DN đầu tư nước ngoài là hơn 20% và chỉ có khoảng 10% là DN Nhà nước.
"Như vậy là ngay trong bản thân DN CNTT thì chủ yếu là DN tư nhân", Phó Chủ tịch UBND Thành phố nói, "Xét về yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của Thành phố, thì yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế Thành phố ngày một đòi hỏi cao hơn, do đó Thành phố đang mong muốn làm sao để hàm lượng giá trị gia tăng trong các sản phẩm công nghệ cao, hàm lượng khoa học - công nghệ tích lũy trong mỗi sản phẩm của sản xuất từ Thành phố cũng ngày càng cao hơn, và quan trọng nhất là Thành phố đang muốn hướng đến một mức cao hơn về giá trị các yếu tố năng suất tổng hợp trong tăng trưởng kinh tế của Thành phố".

VIO 2015, TPCM vẫn đang loay hoay ứng dụng công nghệ thông tin
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Tất Thành Cang - Ảnh: Quỳnh Lâm.

Và để là đạt được mục tiêu này, ông Cang cho rằng Thành phố không còn cách nào khác là phải ứng dụng khoa học công nghệ, trong đó CNTT và tự động hóa là đóng vai trò rất quan trọng.
Nếu xét chương trình phát triển khoa học - công nghệ, trong đó có ứng dụng CNTT thì đòi hỏi của TP.HCM cũng như cả nước là rất lớn. Nếu bình quân cả nước thì đang đòi hỏi đến năm 2020 thì làm sao trong năng suất tổng hợp mà tăng trưởng thì yếu tố đóng góp vào trong cái tăng trưởng đó của lĩnh vực khoa học - công nghệ phải chiếm 35%, và như vậy thì con số này ở TP.HCM phải cao hơn.
Quay trở lại với lĩnh vực CNTT, vấn đề đặt ra với TP.HCM hiện nay là mặc dù Thành phố có thể nói là đang dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế, đóng góp ngân sách, phát triển khoa học - công nghệ, tuy nhiên so với yêu cầu thì Thành phố vẫn chưa đạt.
"Tổng kết năm 2014-2015 này, thì các yếu tố năng suất tổng hợp trong tăng trưởng kinh tế của Thành phố chúng ta đạt bình quân khoảng 35%, và khoa học - công nghệ đóng góp vào 35% chỉ ở mức 30%", ông Cang chia sẻ.
Loay hoay với ứng dụng CNTT
Nhận định về thực trạng ứng dụng CNTT tại TP.HCM, Phó Chủ tịch Tất Thành Cang thẳng thắn cho rằng hiện có ngành dịch vụ tài chính là đi đầu trong ứng dụng CNTT, trong khi các ngành khác như sản xuất, dịch vụ và thương mại chưa ứng dụng nhiều giải pháp CNTT và tự động hóa; còn ở mảng ứng dụng CNTT vào quản lý hành chính thì thực tế cho thấy là văn bản quá nhiều, việc trích xuất văn bản nhiều khi thất lạc.
Do đó để không tăng biên chế và nâng cao năng lực quản lý, hệ thống hóa quản lý thì đòi hỏi việc ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước về hành chính là vấn đề lớn. Hiện nay bản thân TP.HCM đang đi đầu, nhưng nếu so với một số tỉnh khác thì chúng ta vẫn chưa bằng.
Trong đời sống, theo nhận định của Phó Chủ tịch UBND Thành phố, thì toàn bộ hệ thống tín hiệu giao thông, điều hành giao thông và kể cả hệ thống chiếu sáng đèn đường đều được điều khiển thủ công, đặc biệt là vẫn chưa thể hệ thống hóa cũng như chưa áp dụng hệ thống GIS một cách đồng bộ trong quản lý hạ tầng kỹ thuật cũng như quản lý đô thị.
"Chúng ta còn loay hoay lắm trong ứng dụng CNTT vào đời sống xã hội", ông Cang phát biểu trước đông đảo đại biểu, khách mời và doanh nghiệp tiêu biểu trong ngành CNTT TP.HCM và cả nước.
Tuy nhiên, ông Cang cho rằng, sự loay hoay này là hoàn toàn có cơ sở bởi thực tế TP.HCM là một thành phố quá lớn (mega city) với 2.000 km2, 10 triệu dân và hàng trăm ngàn kilômét đường.
"Chúng ta đang mong muốn làm sao để vận hành hệ thống giao thông thông minh trên toàn địa bàn Thành phố, nhưng mà ước mơ này 10 năm nay vẫn chưa đạt được", ông Cang khẳng định, "và rõ ràng là nhu cầu đó chưa đạt, hay là ứng dụng CNTT trong sản xuất và đời sống xã hội vẫn đang đặt ra nhiều vấn đề".
Đối với ngành gia công phần mềm lẫn dịch vụ CNTT, ông Cang cho rằng hoạt động của các DN CNTT tại Thành phố còn rời rạc, do đó cần phải đánh được hết năng lực thực sự của các DN CNTT trên địa bàn TP.HCM, đặc biệt là DN phần mềm, để từ đây chúng ta thấy cần tạo điều kiện gì để các DN này cộng đồng sức mạnh trở thành một tập thể mạnh, và trở thành cái nơi có thể nói là "điểm đến" để đặt hàng của nhiều nước trên thế giới.
Để trở thành một quốc gia mạnh về phát triển CNTT thì các DN CNTT Việt Nam cần có sự đột phá, và hơn bao giờ thì TP.HCM vẫn tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu, theo lời ông Cang.

PCWorld.

CHIẾN LƯỢC VÀ KIẾN TRÚC TỔNG THỂ HỆ THỐNG CNTT

BỐI CẢNH VÀ SỰ CẦN THIẾT CỦA CHƯƠNG TRÌNH

      Trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, sức ép cạnh tranh và nâng cao hiệu quả hoạt động ngày càng trở nên cấp thiết, đòi hỏi các tổ chức và doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển phải trang bị cho mình nhiều hơn nữa các giá trị tri thức trong hoạt động quản trị, sản xuất và cung ứng dịch vụ. Tuy nhiên, mặc dù các giá trị này đa phần được tích lũy và làm giàu thông qua việc vận hành các hệ thống quản trị và điều hành dựa trên nền tảng CNTT, nhưng việc đầu tư ứng dụng CNTT trong hoạt động của tổ chức và doanh nghiệp hoặc vẫn chưa được xem trọng đúng mức hoặc vẫn chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này chính là họ thiếu công cụ để hoạch định và quản trị kiến trúc và chiến lược phát triển của mình.

     Từ thách thức trên, tổ chức và doanh nghiệp cần nắm bắt và thống nhất về nguyên tắc tổ chức, thực thi và đánh giá hiệu quả vận hành các mục tiêu chiến lược của mình. Đồng thời, họ cần nâng cao hơn nữa nhận thức và nhân rộng tầm quan trọng của đầu tư CNTT trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng sức cạnh tranh; từ đó, họ có thể xây dựng môi trường đồng thuận cao trong ứng dụng CNTT để thúc đẩy phát triển kinh tế tri thức. Nhằm đạt được các mục tiêu trên, tổ chức và doanh nghiệp cần đẩy mạnh thực hành xây dựng và áp dụng kiến trúc tổng thể, kiến trúc CNTT trong hoạt động của mình.

GIỚI THIỆU VỀ EA, TOGAF

      Kiến trúc tổng thể (Enterprise Architecture, viết tắt là EA) chính là kim chỉ nam cho việc tổ chức, thực thi và đánh giá hiệu quả vận hành các mục tiêu chiến lược của tổ chức, doanh nghiệp. Kiến trúc tổng thể được xây dựng nhằm quy định mối tương tác về tích hợp và chuẩn hóa giữa quy trình nghiệp vụ và hạ tầng CNTT trong hoạt động của một tổ chức, doanh nghiệp.Và vì thế, nó sẽ hoạch định mô hình tổ chức và vận hành sao cho doanh nghiệp, tổ chức đạt được các mục tiêu mà mình đề ra một cách hiệu quả nhất. Một cách tổng quát nhất, kiến trúc tổng thể là sự kết hợp của kiến trúc CNTT và kiến trúc nghiệp vụ. Trong chương trình đào tạo này với phạm vi xem xét nhiều hơn về yếu tố kỹ thuật, các nội dung liên quan mật thiết đến kiến trúc tổng thể và kiến trúc CNTT sẽ được đề cập nhiều hơn là kiến trúc nghiệp vụ.

     Tuy nhiên, việc xây dựng kiến trúc tổng thể từ đầu đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức. Vì vậy, để có thể triển khai kiến trúc một cách nhanh chóng và hiệu quả, chúng ta có thể dựa trên các khung xây dựng kiến trúc được khuyến nghị và phổ biến tùy theo lĩnh vực hoạt động của mình. Khung xây dựng Kiến trúc tổng thể (The Open Group Architecture Framework, viết tắt là TOGAF) là sản phẩm của Open Group, tổ chức lớn nhất thế giới hiện nay trong lĩnh vực tư vấn và đào tạo về kiến trúc tổng thể, kiến trúc và giải pháp hệ thống CNTT. Tổ chức này quy tụ gần 10.000 thành viên (trong đó có hơn 9.000 thành viên có chứng chỉ các loại do Open Group cấp) là các kiến trúc sư, kỹ sư CNTT từ hơn 30 nước và 350 công ty chuyên về hệ thống, sản phẩm và dịch vụ CNTT trên thế giới. TOGAF đã được kiểm chứng là có độ phổ dụng cao, dễ dàng triển khai và có khả năng tùy biến, thích hợp với nhiều loại hình và quy mô của tổ chức và doanh nghiệp.

     Chính vì vậy, nội dung đào tạo đã được xây dựng chủ yếu dựa trên chương trình đào tạo TOGAF Version 9.1 của Open Group. Ngoài ra, dựa trên kinh nghiệm giảng dạy của đội ngũ giảng viên và nhu cầu thực tế của học viên, khóa học sẽ trang bị thêm kiến thức về các khung xây dựng kiến trúc khác đang hiện hành cũng như các kiến thức và kỹ năng cần thiết trong đầu tư và quản lý dự án CNTT nhằm giúp cho người học vận dụng tốt nhất những nội dung được truyền tải trong chương trình này vào công việc của mình.
 
THỜI LƯỢNG: 32 giờ

ĐỐI TƯỢNG THAM DỰ

  • CxO (CEO, CIO, CTO, CFO…);
  • Quản lý, trưởng nhóm, trưởng bộ phận phụ trách về CNTT;
  • Quản lý, trưởng nhóm, trưởng bộ phận về tổ chức, nghiệp vụ;
  • Kỹ sư, kỹ thuật viên về CNTT.

KIẾN THỨC CẦN CÓ

  • Kiến thức: Xây dựng và quản trị chiến lược, tổ chức, quy trình và nghiệp vụ, tổng quan về kinh tế - tài chính, tổng quan về CNTT và quản lý dự án CNTT;
  • Kỹ năng: Phân tích, tổng hợp, trình bày (viết, nói).

KỸ NĂNG ĐẠT ĐƯỢC SAU KHOÁ HỌC

  • Kiến thức: Xây dựng và quản trị kiến trúc tổng thể, kiến trúc CNTT, đầu tư và quản lý dự án CNTT, đánh giá hiệu quả đầu tư CNTT, giải pháp và sản phẩm CNTT, phát triển giá trị tri thức trong tổ chức, doanh nghiệp;
  • Kỹ năng: Tăng cường các kỹ năng phân tích, tổng hợp, trình bày (viết, nói), tương tác, xây dựng và bảo vệ chiến lược, xây dựng phương án, quản lý tài liệu kiến trúc.

NỘI DUNG KHOÁ HỌC

Phần 1: Giới thiệu về EA và TOGAF
  • Giới thiệu và trình bày tổng quan về EA
  • Giới thiệu và trình bày tổng quan về TOGAF
  • Giới thiệu và trình bày tổng quan về các khung xây dựng kiến trúc phổ biến
  • Giới thiệu về các thuật ngữ, khái niệm và định nghĩa liên quan đến EA và TOGAF
Phần 2: Phương pháp Phát triển kiến trúc
  • Giới thiệu và trình bày chi tiết Phương pháp Phát triển kiến trúc
  • Giới thiệu và trình bày chi tiết các bước trong Phương pháp Phát triển kiến trúc, bao gồm:
  • Trù bị
  • Xây dựng Tầm nhìn kiến trúc
  • Xây dựng Kiến trúc nghiệp vụ
  • Xây dựng Kiến trúc các hệ thống thông tin
  • Xây dựng Kiến trúc công nghệ
  • Xác định Cơ hội và giải pháp
  • Xây dựng Kế hoạch chuyển đổi hệ thống
  • Quản trị Quá trình thực hiện dự án
  • Quản trị Thay đổi kiến trúc hệ thống
  • Quản trị Yêu cầu của hệ thống
Phần 3: Các kỹ thuật và hướng dẫn thực hiện theo Phương pháp Phát triển kiến trúc
  • Giới thiệu và trình bày chi tiết các hướng dẫn để đáp ứng quy trình Phát triển kiến trúc
  • Giới thiệu và trình bày chi tiết các kỹ thuật Phát triển kiến trúc
Phần 4: Khung nội dung Tài liệu kiến trúc
  • Giới thiệu và trình bày chi tiết cấu trúc Tài liệu kiến trúc
  • Giới thiệu và trình bày chi tiết các dữ liệu phục vụ quá trình xây dựng kiến trúc
  • Giới thiệu và trình bày chi tiết các Tài liệu kiến trúc
  • Giới thiệu và trình bày chi tiết cách thức xây dựng các khối trong quá trình xây dựng kiến trúc
Phần 5: Các công cụ và Kho dữ liệu kiến trúc và giải pháp của tổ chức, doanh nghiệp
  • Giới thiệu và trình bày chi tiết Kho dữ liệu kiến trúc và giải pháp của tổ chức, doanh nghiệp
  • Giới thiệu và trình bày chi tiết Phân loại Tài liệu kiến trúc
  • Giới thiệu và trình bày chi tiết Kho dữ liệu kiến trúc
  • Giới thiệu và trình bày chi tiết các công cụ Phát triển kiến trúc
Phần 6: Các mô hình tham chiếu của TOGAF
  • Giới thiệu và trình bày chi tiết Mô hình tham chiếu kỹ thuật
  • Giới thiệu và trình bày chi tiết Mô hình tham chiếu hạ tầng tích hợp thông tin
Phần 7: Khung vận hành kiến trúc
  • Giới thiệu và trình bày chi tiết Hội đồng kiến trúc
  • Giới thiệu và trình bày chi tiết Quy trình đảm bảo sự thống nhất và tương thích với kiến trúc
  • Giới thiệu và trình bày chi tiết các hợp đồng về kiến trúc
  • Giới thiệu và trình bày chi tiết Quản lý kiến trúc
  • Giới thiệu và trình bày chi tiết các mô hình kiến trúc hoàn thiện
  • Giới thiệu và trình bày chi tiết Khung kỹ năng về kiến trúc
Phần 8: Các khung kiến trúc khác
  • Giới thiệu và trình bày về FEAF (Federal Enterprise Architecture Framework)
  • Giới thiệu và trình bày về PEAF (Pragmatic Enterprise Architecture Framework)
  • Giới thiệu và trình bày về Archimate Framework
  • Giới thiệu và trình bày về Zachman Framework, Gartner Framework, Magenta Framework
Phần 9: Vai trò của Kiến trúc tổng thể trong đầu tư CNTT và thực thi chiến lược phát triển
  • Giới thiệu và trình bày về Kiến trúc tổng thể và Định hướng đầu tư CNTT
  • Giới thiệu và trình bày về Kiến trúc tổng thể và Quản lý dự án CNTT
  • Giới thiệu và trình bày về Kiến trúc tổng thể và Đánh giá hiệu quả đầu tư CNTT
  • Giới thiệu và trình bày về Kiến trúc tổng thể và Thực thi chiến lược phát triển
Phần 10: Thực hành và ôn tập

  • Các bài tập thực hành (xen kẽ xuyên suốt trong quá trình đào tạo)
  • Các nội dung ôn tập

Giới thiệu về Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam

Cùng với sự phát triển của Chính phủ điện tử (CPĐT), việc xây dựng Kiến trúc CPĐT là hết sức cần thiết, tạo điều kiện cho việc kết nối, liên thông, chia sẻ hạ tầng, thông tin trong CPĐT, tránh sự đầu tư trùng lặp gây lãng phí. Hầu hết các nước có CPĐT phát triển đều hướng tới xây dựng và áp dụng Khung Kiến trúc CPĐT. Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam phiên bản 1.0 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 21/4/2015 sẽ được giới thiệu dưới đây.
Ngày nay, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước (CQNN) hướng tới phát triển CPĐT là xu thế tất yếu, là mô hình phổ biến của nhiều quốc gia. Xây dựng CPĐT trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của bất cứ chính phủ nào. Có nhiều định nghĩa về CPĐT, hầu hết các định nghĩa đều có một số nội dung chính như sau: Chính phủ điện tử là chính phủ ứng dụng CNTT nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của CQNN, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Trong quá trình triển khai CPĐT, đặc biệt tại các nước phát triển, lợi ích mà CPĐT mang lại được thể hiện rất rõ, thậm chí có thể định lượng được.

Chính phủ điện tử thường cung cấp các nhóm dịch vụ: Chính phủ cung cấp thông tin và dịch vụ cho người dân (G2C); Chính phủ cung cấp thông tin và dịch vụ cho doanh nghiệp (G2B); Cung cấp thông tin và các dịch vụ liên quan giữa các cơ quan chính phủ với nhau (G2G); Chính phủ cung cấp các thông tin và dịch vụ cho các cán bộ, công chức (G2E).

Giới thiệu chung về Khung Kiến trúc CPĐT

Theo Liên Hợp quốc, để chuyển sang chính phủ kết nối, đòi hỏi có một khung (framework) chặt chẽ, đồng bộ cả về các cơ chế và các giải pháp thực hiện. Các cơ quan chính phủ thường là các tổ chức lớn, có đặc trưng cấu trúc phân cấp, phân tách phức tạp thành các đơn vị thành viên nhỏ hơn và các đơn vị này hoạt động tương đối độc lập. Điều này dẫn đến sự phân chia thành các quy trình nghiệp vụ, các hệ thống thông tin khác nhau tạo ra nhiều vấn đề phức tạp trong việc kết nối, liên thông giữa các đơn vị.

Để giải quyết vấn đề kết nối, liên thông trong CPĐT, có hai giải pháp chính là ban hành, áp dụng các Chuẩn và việc ban hành, tuân thủ Khung Kiến trúc CPĐT. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã nghiên cứu và đưa ra các Khung tương hợp cho CPĐT (e-Government Interoperability Framework), với cốt lõi là các bộ chuẩn nhằm đảm bảo cho tính tương hợp, kết nối liên thông. Khung Kiến trúc CPĐT còn hướng tới việc xác định rõ các thành phần, bộ phận của tổ chức, cơ quan và mối quan hệ giữa các thành phần này trong CPĐT.

Trong thời gian qua, đã có nhiều phương pháp luận về Khung Kiến trúc CPĐT được xây dựng, chủ yếu dựa trên các khung kiến trúc và phương pháp luận chính như: Khung Zachman (Zachman Framework); Khung kiến trúc nhóm mở (Open Group Architectural Framework - TOGAF); Phương pháp luận của Gartner; Khung kiến trúc tổng thể liên bang của Mỹ (Federal Enterprise Architecture Framework - FEAF); Các chuẩn và kiến trúc cho các ứng dụng CPĐT của Đức (Standards and Architectures for eGovernment Applications - SAGA); Phương pháp luận của Đan Mạch (Offentlig Information Online - OIO). Các chuyên gia cho rằng, không có phương pháp luận nào là hoàn toàn phù hợp để xây dựng Khung Kiến trúc CPĐT mà đòi hỏi phải có sự chọn lọc, kết hợp nhiều phương pháp để đáp ứng nhu cầu của cơ quan, tổ chức.

Việc xây dựng và tuân thủ Khung Kiến trúc CPĐT sẽ giúp các CQNN:

- Tăng khả năng kết nối, liên thông các hệ thống thông tin trên quy mô rộng, góp phần phục vụ người dân, doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi, theo cơ chế một cửa;

- Tăng khả năng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân và doanh nghiệp dựa trên nền tảng dữ liệu, thông tin tin cậy được chia sẻ trên diện rộng giữa các CQNN;

- Giảm đầu tư trùng lặp, vì xác định được rõ các thành phần, hệ thống thông tin trong CPĐT và trách nhiệm, lộ trình triển khai của các cơ quan.

Xây dựng Khung Kiến trúc CPĐT tại Việt Nam

Với các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng, không thể áp dụng hoàn toàn một Khung Kiến trúc CPĐT sẵn có của nước ngoài, mà phải xây dựng Khung Kiến trúc CPĐT phù hợp.

Khung Kiến trúc CPĐT tại Việt Nam có một số đặc điểm sau:

- Hệ thống quản lý hành chính nhà nước chia làm nhiều cấp, với nhiều mối quan hệ dọc, ngang trong mỗi cấp và giữa các cấp;

- Hệ thống chính trị của Việt Nam bao gồm nhiều thành phần như các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam....

- Quy mô, đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành rất khác nhau. Nhiều Bộ có chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức gọn, các đơn vị trực thuộc trong phạm vi địa lý hẹp. Trong khi nhiều Bộ có quy mô, chức năng, nhiệm vụ phức tạp, các đơn vị trực thuộc có trụ sở làm việc trên khắp cả nước;

- Có sự khác biệt về quy mô, đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội của các tỉnh, thành phố trên các vùng miền;

- Hiện trạng, ứng dụng CNTT trong hoạt động của các CQNN chủ yếu có quy mô nhỏ, mang tính nội bộ, thiếu kết nối, chia sẻ hạ tầng và dữ liệu. Việc đầu tư nhiều nơi còn trùng lặp, chưa phân định rõ trách nhiệm trong xây dựng, triển khai hệ thống CNTT các cấp. Đây là những hạn chế mà Khung Kiến trúc CPĐT cần xem xét để khắc phục.

Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam được xây dựng dựa trên sự kết hợp các phương pháp luận xây dựng Khung Kiến trúc CPĐT của quốc tế, bảo đảm phù hợp với các đặc thù của Việt Nam. Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam phải đảm bảo mang tính tổng quát, tính cụ thể, tính kết nối, tính mở và tính khả thi.

Mối quan hệ, sự phân cấp quản lý hành chính của CQNN sẽ có ảnh hưởng lớn đến Khung kiến trúc CPĐT, vì CPĐT liên quan đến tin học hóa hoạt động của các CQNN trong cơ cấu tổ chức hành chính nhà nước. Hiện nay, tại Việt Nam có thể chia thành 04 cấp quản lý hành chính nhà nước, bao gồm: Cấp Trung ương, đứng đầu là Chính phủ và các Bộ; cấp Tỉnh, đứng đầu là UBND Tỉnh và các cơ quan chuyên môn; Cấp Quận/Huyện, đứng đầu là UBND Huyện và các cơ quan chuyên môn và cấp Phường/Xã.

Sơ đồ tổng thể Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam

Các thành phần chính của Sơ đồ tổng thể khung kiến trúc CPĐT (Hình vẽ ) gồm các thành phần:

- Người sử dụng: Là những người truy cập, sử dụng dịch vụ CPĐT các cấp, bao gồm người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức.

- Kênh giao tiếp: Là môi trường giúp người sử dụng truy cập đến các hệ thống thông tin CPĐT của các CQNN để thực hiện giao dịch. Một số kênh tiêu biểu như điện thoại, cổng/trang thông tin điện tử, hay giao tiếp trực tiếp.

- Cổng thông tin điện tử Chính phủ: Là đầu mối kết nối người sử dụng tới các ứng dụng, hệ thống thông tin (HTTT) của các Bộ/Tỉnh. Cổng này một mặt kết nối với Kênh giao tiếp, mặt khác, lại kết nối với các cổng thông tin điện tử các Bộ/Tỉnh; kết nối với Hệ thống kết nối, liên thông của quốc gia và các HTTT/CSDL quốc gia. Trong trường hợp Cổng thông tin điện tử của Chính phủ chưa kết nối các cổng thông tin điện tử của các Bộ/Tỉnh thì người sử dụng sẽ kết nối trực tiếp với cổng thông tin điện tử của các Bộ/Tỉnh.


Hình: Sơ đồ tổng thể Khung kiến trúc CPĐT Việt Nam

- Hệ thống kết nối, liên thông các HTTT ở Trung ương và địa phương: Hệ thống này bao gồm các dịch vụ, ứng dụng có thể chia sẻ, dùng chung cấp quốc gia để kết nối, liên thông các HTTT ở quy mô quốc gia. Hệ thống này giúp cho việc đầu tư không trùng lặp, tiết kiệm; đồng thời tạo điều kiện kết nối liên thông, tích hợp các HTTT.

- Kiến trúc CPĐT của Bộ/Tỉnh, gồm các bộ phận chính:

+ Cổng thông tin điện tử: Để kết nối với Cổng thông tin điện tử Chính phủ và tới người sử dụng, mặt khác kết nối tới các ứng dụng CNTT của Bộ/Tỉnh.

+ Các ứng dụng CNTT: Là chương trình máy tính để cung cấp các dịch vụ CPĐT tương ứng.

+ Nền tảng chia sẻ, tích hợp: là nơi lưu trữ các ứng dụng, dịch vụ chia sẻ, dùng chung cho cả Bộ/Tỉnh và cũng bao gồm các dịch vụ để tích hợp, kết nối các ứng dụng, hệ thống CNTT trong phạm vi Bộ/Tỉnh. Đồng thời, nó cũng được kết nối tới các hệ thống bên ngoài (như nền tảng chia sẻ, tích hợp của các Bộ/Tỉnh khác; các HTTT/CSDL quốc gia;…).

+ Cơ sở hạ tầng thông tin của Bộ/Tỉnh là hạ tầng kỹ thuật phục vụ các ứng dụng/HTTT của Bộ/Tỉnh, bao gồm mạng, thiết bị CNTT, ATTT....

- Các HTTT/CSDL Quốc gia: Là các hệ thống thông tin hoặc CSDL quy mô quốc gia, được dùng chung cho nhiều Bộ/Tỉnh. Ví dụ: HTTT quản lý văn bản tích hợp trong toàn quốc cho các cơ quan Chính phủ, hệ thống thư điện tử quốc gia, HTTT quản lý Ngân sách và Kho bạc, hệ thống Thuế điện tử, Hải quan điện tử, hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; CSDL quốc gia về dân cư, CSDL quốc gia về tài chính, CSDL quốc gia về đất đai,...

Danh mục các HTTT, CSDL có quy mô quốc gia được cập nhật trong các Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Các HTTT ngoài cơ quan nhà nước: Là các HTTT hoặc CSDL của các cơ quan, tổ chức như các cơ quan Đảng, các doanh nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế khác.

- Hạ tầng kỹ thuật: là hạ tầng kỹ thuật CNTT kết nối các HTTT trên quy mô quốc gia. Những thành phần chính của hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia được cập nhật trong các Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Quản lý, chỉ đạo: Bao gồm công tác chỉ đạo, quản lý, tổ chức, hướng dẫn, đào tạo, môi trường pháp lý, truyền thông, nhằm bảo đảm các điều kiện triển khai các HTTT.

- An toàn thông tin: Là thành phần xuyên suốt, là điều kiện bảo đảm triển khai các thành phần của CPĐT. Đảm bảo ATTT bao gồm các nội dung chính như: bảo vệ an toàn thiết bị, an toàn mạng, an toàn hệ thống, an toàn ứng dụng CNTT, an toàn dữ liệu, quản lý và giám sát. Các nội dung này cần được triển khai đồng bộ tại các cấp, đáp ứng nhu cầu thực tế và xu thế phát triển công nghệ.

Sơ đồ tổng thể Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam cũng thể hiện bao quát sự kết nối của các HTTT các cấp, phù hợp với sự kết nối về quy trình nghiệp vụ thực tế như đã phân tích, cụ thể như sau:

Kết nối dọc bao gồm các liên kết:

- Kết nối từ Chính phủ xuống các Bộ, UBND các Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương thông qua Cổng thông tin điện tử Chính phủ;

- Kết nối từ các cơ quan chuyên ngành của Bộ xuống các cơ quan chuyên ngành (sở chuyên ngành) của Tỉnh thông qua hình thức trực tiếp, kết nối giữa nền tảng chia sẻ, tích hợp của Bộ với Tỉnh và qua Hệ thống kết nối, liên thông các HTTT ở Trung ương và địa phương;
 
- Kết nối từ cơ quan chuyên ngành của các Bộ xuống các cơ sở đặt tại các địa phương (như kết nối từ Tổng cục xuống các Cục, Chi cục tại địa phương) thông qua hình thức trực tiếp, qua nền tảng chia sẻ, tích hợp của Bộ và qua Hệ thống kết nối, liên thông các HTTT ở Trung ương và địa phương;

- Kết nối từ các cơ quan chuyên ngành của tỉnh (sở chuyên ngành) với các đơn vị chuyên môn cấp dưới (huyện, xã) thông qua hình thức trực tiếp hoặc qua nền tảng chia sẻ, tích hợp của tỉnh.

Kết nối ngang, bao gồm các mối liên kết:

- Kết nối giữa các Bộ thông qua các hình thức như trực tiếp; kết nối giữa nền tảng chia sẻ, tích hợp của Bộ hoặc qua Hệ thống kết nối, liên thông các HTTT ở Trung ương và địa phương;

- Kết nối giữa các đơn vị trực thuộc Bộ, thông qua hình thức trực tiếp; kết nối qua nền tảng chia sẻ, tích hợp của Bộ hoặc qua Hệ thống kết nối, liên thông các HTTT ở Trung ương và địa phương;

- Kết nối giữa các Tỉnh thông qua hình thức kết nối giữa nền tảng chia sẻ, tích hợp của các tỉnh hoặc qua Hệ thống kết nối, liên thông các HTTT ở Trung ương và địa phương;

- Kết nối giữa các cơ quan chuyên ngành cấp Tỉnh (các sở, ban, ngành) thông qua các hình thức như: Trực tiếp; kết nối giữa nền tảng chia sẻ, tích hợp của tỉnh;

- Kết nối giữa các cơ quan chuyên môn cấp huyện (các phòng, ban) thông qua hình thức trực tiếp hoặc kết nối qua nền tảng chia sẻ, tích hợp của tỉnh.

Kết nối với các HTTT ngoài cơ quan nhà nước

Việc kết nối giữa các HTTT của các cơ quan nhà nước với các đơn vị khác tùy theo yêu cầu cụ thể mà sẽ có những hình thức phù hợp theo quy mô, cấp kết nối. Các kết nối này gồm hình thức trực tiếp; kết nối qua nền tảng chia sẻ, tích hợp của Bộ/Tỉnh hoặc kết nối qua Hệ thống kết nối, liên thông các HTTT ở Trung ương và địa phương.

Việc chọn lựa theo các hình thức kết nối cụ thể nào tùy thuộc vào điều kiện và nhu cầu thực tế. Định hướng chung, việc kết nối nội bộ giữa các đơn vị trong Bộ/Tỉnh thông qua nền tảng chia sẻ, tích hợp của Bộ/Tỉnh; việc kết nối quy mô quốc gia thông qua Hệ thống kết nối, liên thông các HTTT ở Trung ương và địa phương.

Thực tế hiện nay, các thành phần trong Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam còn chưa đầy đủ và sẽ được bổ sung, hoàn thiện trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, trong từng giai đoạn, các Bộ/Tỉnh trên cơ sở điều kiện hiện có, vẫn phải đảm bảo triển khai CPĐT phục vụ nhu cầu thực tế.

Cụ thể, khi Cổng thông tin điện tử Chính phủ chưa kết nối với Cổng thông tin điện tử các Bộ/Tỉnh, thì người dân, doanh nghiệp có thể truy cập trực tiếp tới Cổng thông tin điện tử của các Bộ/Tỉnh. Khi chưa có hệ thống kết nối, liên thông ở Trung ương và địa phương thì các HTTT các Bộ/Tỉnh có thể kết nối trực tiếp với nhau. Trong mỗi Bộ/Tỉnh, nếu chưa có nền tảng chia sẻ, tích hợp chung thì các ứng dụng/HTTT sẽ trực tiếp kết nối với nhau theo nhu cầu.

Như vậy, Khung Kiến trúc CPĐT phiên bản 1.0 đã xác định được Sơ đồ tổng thể Khung Kiến trúc CPĐT của quốc gia. Đây là căn cứ để CQNN các cấp xác định trách nhiệm, vị trí của mình trong sự phát triển CPĐT của Quốc gia; làm căn cứ để các Bộ/Tỉnh xây dựng Kiến trúc CPĐT chi tiết của mình, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ. Trên cơ sở Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam và Kiến trúc CPĐT chi tiết của các Bộ/Tỉnh, các CQNN có thể xây dựng, triển khai kế hoạch ứng dụng CNTT theo lộ trình, bảo đảm sự kết nối, liên thông, chia sẻ, sử dụng chung thông tin, cơ sở hạ tầng thông tin.

Kinh nghiệm các nước cũng cho thấy, xây dựng Kiến trúc CPĐT là công việc phức tạp, lâu dài, Khung Kiến trúc CPĐT thường được ban hành thành nhiều phiên bản trong các giai đoạn khác nhau, phù hợp nhu cầu, sự phát triển. Sau khi xác định Khung Kiến trúc CPĐT quốc gia, cơ quan có trách nhiệm cần phát hành các tài liệu hướng dẫn triển khai cụ thể.


TS. Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông

Thời của Enterprise Architect

Thành công của một cá nhân luôn hội đủ 3 yếu tố "Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa". Giờ đây cả 3 yếu tố ấy lại xuất hiện trước mắt người thủ lĩnh CNTT.

Đã đến thời của kiến trúc sư doanh nghiệp?

Kiến trúc sư doanh nghiệp (Enterprise Architect - EA) là người có thể xây dựng hệ thống thông tin vừa linh hoạt vừa là nền tảng cho doanh nghiệp (DN) yên tâm sử dụng và tăng tốc kinh doanh.
Thời cơ để CNTT hòa nhập vào sự phát triển chung của DN đã xuất hiện. Các DN cần nhanh chóng tận dụng cơ hội khiến sức mạnh CNTT cộng hưởng với sức mạnh chung của DN.
Kiến trúc sư doanh nghiệp..., anh là ai?

Vai trò của EA (click xem hình lớn)
CIO là chức danh của một người lãnh đạo CNTT ở các công ty đa quốc gia hay tập đoàn, công ty… Nhưng không phải CIO nào cũng có thể xây dựng hệ thống thông tin vừa linh hoạt, vừa là nền tảng cho DN sử dụng trong hiện tại và phát triển tốt trong tương lai. Gần đây, trên thị trường lao động, có một chức danh khác chỉ người đóng vai “đầu tàu” CNTT của các tổ chức, DN lớn, vừa và nhỏ, một cái tên gần gũi nhưng cũng “rất oai”: Enterprise Architect (EA – kiến trúc sư doanh nghiệp).


Simon Guest, giám đốc bộ phận Architecture Strategy của Microsoft giải thích về EA: “Vai trò của EA là đảm bảo định hướng của DN và CNTT phải đi cùng hướng (alignment). EA cố gắng để tối đa hóa lợi ích đầu tư cho CNTT bằng cách hoặc ưu tiên chi tiêu cho lợi ích kinh doanh hoặc làm tác động của CNTT lên dịch vụ, tài nguyên, dự án và quy trình của DN là cao nhất”.

EA ví như cầu nối giữa 3 thành phần: lãnh đạo, phát triển và điều hành DN để đảm bảo rằng cả 3 hiểu nhau, trả lời câu hỏi “mục tiêu DN đặt ra khả thi hay không?” đồng thời kiểm soát được các vấn đề phát sinh. Tầm nhìn của EA bao quát như người lãnh đạo DN, nhiệm vụ giải quyết mối liên hệ con người và công nghệ nhằm tạo ra được sản phẩm có đẳng cấp quốc tế, những tầm nhìn dài hơi. Và, đôi khi EA còn được gọi là Strategic Architect – kiến trúc sư chiến lược.
Thiên thời của EA…
Các chuyên gia cho rằng, giờ là lúc các “kiến trúc sư doanh nghiệp” được đủ 3 yếu tố “Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa”…. Lý do: Môi trường kinh doanh ngày nay luôn thay đổi; sự cạnh tranh cũng không còn là chuyện của một hai đối thủ trong ngành; sức ép cạnh tranh được xác định là nặng nề, dày đặc và liên tục; áp lực của việc luôn phải giữ lợi thế cạnh tranh, giữ khoảng cách với đối thủ buộc các phòng ban, bộ phận kinh doanh hay liên quan phải liên tục phát hiện, sáng tạo những phương pháp tiếp cận khách hàng mới; phát triển sản phẩm phải nhanh hơn; thông tin phản hồi từ bên ngoài cũng phải kịp thời hơn v.v… và không có CNTT, DN không thể xoay sở.

Trong quá trình tồn tại, phát triển của DN, CNTT đã đóng một vai trò rất quan trọng, vừa là huyết mạch để thông tin của DN hoạt động vừa tạo nên một kiến trúc để “cất giữ” thông tin. Tuy nhiên, mô hình này lại xây dựng, phát triển trên ý tưởng phân cấp, các ứng dụng, phần mềm trong DN phát triển theo nhu cầu hiện tại, cần tới đâu đầu tư tới đó, dẫn đến hệ thống khó đáp ứng khi có nhu cầu mở rộng, chuyển đổi và sẽ rất khó khăn khi muốn cộng tác với hệ thống khác.

Vấn đề, khó khăn của DN hóa ra lại là “thiên thời” của chuyên gia CNTT, thời cơ để một ý tưởng CNTT mới, triết lý công nghệ mới trong DN ra đời. Chuyên gia cần thêm “địa lợi – nhân hoà”.
Địa lợi, nhân hoà…
“Đất” để EA sinh trưởng, tu luyện và dụng võ ngày càng rộng mở. Hiện có rất nhiều chương trình đào tạo kỹ năng làm kinh doanh cho người có kinh nghiệm về CNTT. Thời gian học thường ngắn (chương trình của ĐH Carnigie Mellon, cái nôi của nghành công nghệ phần mềm, hay chương trình thạc sĩ CNTT theo định hướng kinh doanh của RMIT, Úc).

IBM, Microsoft... cũng không đứng ngoài cuộc xây dựng và phát triển đội ngũ “tín đồ Architect” cho mình. Để đạt được chứng nhận là Architect của các hãng này, bạn không chỉ tốn một ít chi phí đầu tư và thời gian theo học nào đó mà phải có thâm niên! Chương trình Microsoft Architect yêu cầu ứng viên có ít nhất 10 năm kinh nghiệm về CNTT, gia nhập đội ngũ Architect của Microsoft và giới thiệu tính ưu việt của giải pháp đề xuất trước hội đồng thẩm định.

“Nhân hòa” lại nằm trong một hiện thực khác, nơi khoảng cách “chung sức” giữa 2 đối tượng kinh doanh và CNTT. Thường khối kinh doanh chỉ xem CNTT là công cụ hỗ trợ thực hiện; Khối CNTT chưa đạt tầm vạch ra một kế hoạch kinh doanh độc lập dựa trên lợi thế công nghệ, chưa có quyền “sinh sát” để sử dụng tài chính, nhân sự để thực hiện dự án hay ít nhất là hợp tác với lãnh đạo bộ phận kinh doanh trong DN – CNTT chưa là một “thế lực” trong DN. Một cách ví von, DN mới chỉ sử dụng lợi thế CNTT như một người bình thường gài số 2 chạy xe máy đường trường!

May thay, có một thứ để EA tin rằng thời của mình đã đến là sự xuất hiện của kiến trúc hướng dịch vụ (Services Oriented Architect - SOA). Gần như một xu thế của hệ thống thông tin trong DN, kiến trúc SOA  xây dựng toàn bộ thông tin theo ý tưởng mạng liên kết trực tiếp, điểm tới điểm. Thay vì nguồn dữ liệu chỉ được truy cập một cách hạn chế với một hai ứng dụng như trước, kiến trúc SOA với nguồn dữ liệu biến thành dịch vụ cung cấp cho phép truy cập bất kỳ ứng dụng nào miễn là thiết bị đầu cuối có “đầu thu” dịch vụ.

Khi EA phát triển kiến trúc SOA cho DN là họ đã tạo điều kiện để bộ phận CNTT bắt tay với những bộ phận, phòng ban khác trong DN. Khi đó, EA đã phải thiết kế lại các quy trình bên trong DN không chỉ đáp ứng được nhu cầu hiện tại mà còn dễ dàng sắp xếp lại, bổ sung khi yêu cầu DN xuất hiện ở tương lai. Yếu tố “nhân hòa” phụ thuộc vào chính bản thân của EA, tầm nhìn của người này về tương lai tương tự như chính lãnh đạo DN đó, nhận diện đâu là xu thế phát triển tiếp theo của DN để hiện thực hoá phần đón đầu trong kiến trúc SOA của mình.

Hải Phạm

Xây dựng khung kiến trúc Chính phủ điện tử là rất cấp thiết


(PCWorldVN) Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng đã khẳng định tại Hội nghị đào tạo, tập huấn về kiến trúc Chính phủ điện tử cho các Bộ, ngành vừa được tổ chức tại Hà Nội vào hôm qua 21/10.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng nhận định "việc phát triển và ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước đã có những kết quả đáng mừng và được triển khai mạnh mẽ. 90% cán bộ công chức được trang bị máy tính phục vụ công việc hằng ngày. 100% cơ quan nhà nước được trang bị hệ thống văn bản quản lý điều hành, thư điện tử. Bên cạnh đó, tất cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đều có Cổng Thông tin điện tử, hầu hết các cổng này đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 2, một số đã cung cấp dịch vụ công ở mức độ 3 và mức độ 4".
 
Tuy nhiên, Thứ trưởng Hưng cũng chỉ ra 4 tồn tại cần phải khắc phục trong tiến trình phát triển và ứng dụng CNTT, cụ thể đó là Ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước vẫn mang tính nội bộ, thiếu tính kết nối, chia sẻ thông tin trên diện rộng; Dịch vụ công trực tuyến cung cấp cho người dân ở mức độ cao còn chưa nhiều, trong trường hợp được cung cấp ở mức độ 3 hoặc 4 thì vẫn còn nhiều tồn tại, gây cản trở cho việc tiếp cận dễ dàng với dịch vụ công trực tuyến của người dân; Việc xây dựng hệ thống thông tin quy mô lớn, cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử còn chậm; và Việc đầu tư cho CNTT còn chưa đồng bộ, có sự chồng chéo giữa các Bộ, ngành và địa phương.
Đào tạo, tập huấn kiến trúc Chính phủ điện tử cho các Bộ, ngành
Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Mic.gov.vn
Trong bối cảnh ấy, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh việc xây dựng khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, khung kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ, ngành, địa phương là rất cấp thiết.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông, Bộ TTTT đã ban hành văn bản số 1178 ngày 21/4/2015 về khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 1 và trước đó đã ban hành văn bản số 2384 ngày 28/7/2015 hướng dẫn mẫu đề cương xây dựng khung kiến trúc Chính phủ điện tử. Thực hiện tốt hai văn bản này chính là góp phần thực hiện tốt Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử.
Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn các đại biểu tham dự Hội nghị tập huấn bàn bạc, trao đổi các tồn tại, các đường hướng phát triển sắp tới về kiến trúc khung Chính phủ điện tử, ứng dụng, phát triển CNTT nhằm đáp ứng mong đợi của người dân, của xã hội đối với nền hành chính công.
Tại Hội nghị, đại diện Bộ TTTT đã trình bày về khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 1, Đề cương Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp Bộ; Áp dụng tiêu chuẩn CNTT trong Kiến trúc Chính phủ điện tử; An toàn thông tin trong Kiến trúc Chính phủ điện tử. Ngoài ra, còn có bài tham luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, triển khai mô hình, kiến trúc Chính phủ điện tử cấp Bộ.
(Theo Mic.gov.vn)

Kiến trúc tổng thể: Bức tranh toàn cảnh

Phải xây dựng được thứ có thể nhìn thấu mọi thứ. Phải thực hiện kiến trúc chính phủ điện tử (CPĐT), trong một môi trường phối cảnh đa chiều để cân nhắc xem chúng gắn kết, tương tác với nhau như thế nào? Làm thế nào để có thể đi từ trạng thái hiện thời đến trạng thái đích…? Phương pháp luận về CPĐT gọi bức tranh đó là kiến trúc tổng thể (Enterprise Architecture, gọi tắt là EA).

 
Mọi tổ chức đều vận động dựa trên thông tin. Theo đó, những con người hay nhóm – thành phần cấu tạo tổ chức – đảm đương những nhiệm vụ cụ thể luôn luôn giao tiếp với nhau, thông tin cho nhau để tương tác giữa bộ phận này với bộ phận khác, người này với người khác… Chỉ như thế, tổ chức mới có thể tồn tại và phát triển.

Trong khi đó, tổ chức lại xuất hiện từ xa xưa, trước CNTT rất lâu. Và từ thời xa xưa ấy, bản chất trên đã tồn tại và sẽ tồn tại mãi mãi cùng với xã hội loài người. Vì thế, việc mô hình hóa tổ chức luôn luôn dẫn đến bộ đôi: Mô hình tổ chức (tổ chức được cấu trúc như thế nào?) và mô hình thông tin (hệ thống thông tin bên trong tổ chức được xây dựng và vận hành như thế nào?).

Mọi chuyện thay đổi khi CNTT ra đời và mở ra những viễn cảnh mới, mang đến cho tổ chức phương tiện xử lý thông tin với tốc độ rất cao, lưu trữ thông tin với khối lượng rất lớn và truyền thông tin gần như tức thì và không giới hạn về khoảng cách. Những ưu việt đó vượt xa khả năng làm việc thủ công. Chúng giúp con người thực hiện những điều mà trong thế giới thủ công chỉ là mơ ước, với các ứng dụng ngày càng phong phú, đa dạng và phức tạp dựa trên những nền tảng công nghệ ngày một phát triển. Vì thế, nghiên cứu ứng dụng CNTT trong một tổ chức luôn dẫn đến mô hình ứng dụng (application model - tổ chức sẽ hoạt động như thế nào trong môi trường CNTT) và mô hình công nghệ (technology model - các ứng dụng được phát triển trên nền công nghệ nào).

Tổ chức là một thực thể thống nhất, nên mọi sự thay đổi ở một thành phần bên trong luôn luôn kéo theo sự thay đổi ở tất cả các thành phần còn lại. Khi CNTT xâm nhập vào tổ chức, làm thay đổi cách thức con người hoạt động thông tin bên trong tổ chức, kéo theo thay đổi cả về mô hình tổ chức lẫn mô hình thông tin. Nói theo ngôn ngữ quản lý, việc ứng dụng CNTT (hay điện tử hóa) chắc chắn làm thay đổi các quy trình làm việc thủ công (cải cách hành chính) theo hướng tạo điều kiện tốt nhất cho CNTT phát huy những năng lực phục vụ phù hợp với khả năng tiếp thu và phát triển của tổ chức.

Tổng hợp những ý trên dẫn chúng ta đến 4 hợp phần mà tất cả các phương pháp luận về CPĐT đều thống nhất lựa chọn là: Mô hình tổ chức + Mô hình thông tin (được xây dựng trên nền móng của chiến lược CPĐT về tổ chức); Mô hình ứng dụng + Mô hình công nghệ (được xây dựng trên nền móng của chiến lược CPĐT về CNTT).
Kiến trúc tổng thể là một kế hoạch chi tiết định hướng. Nó là một bức tranh kiến trúc đa chiều, giúp người ta phân tích các mối quan hệ đan chéo giữa tất cả các chiều nhằm tìm ra các nhân tố tạo nên sự phát triển ổn định và bền vững của tổ chức.
Khung kiến trúc tổng thể

Kiến trúc của một tổ chức là một tập hợp các mô hình được dùng làm cơ sở để phân tích, giúp các nhà quản lý quyết định thực hiện những thay đổi cần thiết để đạt được mục đích và mục tiêu của tổ chức đó. Các mô hình này thực hiện vai trò giống như các bản kế hoạch chi tiết hướng dẫn và phối hợp nỗ lực của các bộ phận liên quan trong việc xây dựng mới hoặc thay đổi một tổ chức hiện tại.

Thực tiễn cho thấy trong những tổ chức lớn, các mô hình tổ chức tại những bộ phận khác nhau thường được xây dựng bởi các nhóm khác nhau. Các nhóm này thường có xu hướng tạo ra những sản phẩm kiến trúc chỉ đáp ứng yêu cầu của riêng chứ không thể áp dụng ở nơi khác, còn nếu muốn áp dụng thì phải hiệu chỉnh rất nhiều. Vì thế, khi một tổ chức muốn chuẩn hóa kết quả làm việc của tất cả các nhóm vào kiến trúc tổng thể thì biện pháp đầu tiên là thiết lập một khung kiến trúc tổng thể chung (EA).
Khó có thể xây dựng một khung EA duy nhất chung cho tất cả mọi trường hợp do sự khác nhau về lĩnh vực , trình độ quản lý, nguồn nhân lực, khả năng đầu tư, trang bị, cơ chế vận động… Từ đây, xuất hiện những cách tiếp cận khác nhau về xây dựng khung EA cho những lớp tổ chức khác nhau.
 
Hình 4 trụ cột của EA
Người ta ghi nhận có 5 phương pháp được áp dụng nhiều nhất và được xem là có ảnh hưởng nhất:

• TOGAF (The Open Group Architecture Framework - Khung kiến trúc nhóm mở)
• The Zachman Framework (Khung Zachman)
• FEAF (Federal Enterprise Architecture Framework - Khung kiến trúc tổng thể kiểu liên bang)
• MDA (Model Driven Architecture - Kiến trúc được điều khiển bởi mô hình)
• EUP (Enterprise Unified Process - Quy trình hợp nhất tổ chức).
Mỗi phương pháp đưa ra một khung (framework) gồm nhiều mô hình con phân tích các khía cạnh khác nhau của kiến trúc cho một lớp tổ chức phù hợp. Trong số đó, theo ý kiến cá nhân, FEAF là phương pháp có cách diễn đạt sáng sủa và dễ hiểu hơn cả.

FEAF đặt tất cả các quy trình phát triển, từ kiến trúc nghiệp vụ, kiến trúc dữ liệu, kiến trúc ứng dụng và kiến trúc công nghệ hiện thời thông qua các mô hình kiến trúc và các quá trình chuyển đổi, chuẩn hóa để đạt tới kiến trúc nghiệp vụ, kiến trúc dữ liệu, kiến trúc ứng dụng và kiến trúc công nghệ tương lai trong một khung tổng thể thống nhất.

FEAF được sử dụng nhiều trong các tổ chức có trình độ phát triển tương đối cao, nơi hiện hữu môi trường ứng dụng tương đối đồng nhất. Nếu khởi đầu từ một môi trường ứng dụng không đồng nhất (có những ứng dụng được phát triển ở các cấp độ khác nhau trong cùng một tổ chức như thường thấy ở nước ta) thì TOGAF là phương pháp được xem là phù hợp. 
Trong hệ thống phương pháp luận thiết kế hệ thống thông tin đương đại, EA đóng vai trò “nhạc trưởng”. Mỗi hợp phần của EA bao gồm nhiều nội dung riêng biệt.
TOGAF dựng lên một khung kiến trúc tổng thể gồm phần lõi và các thành phần mở rộng. Khung kiến trúc tổng thể lõi bao gồm:

• Kiến trúc nghiệp vụ: Mô tả các mục tiêu hoạt động, các hoạt động, các quy trình nghiệp vụ…
• Kiến trúc dữ liệu: Xác định các quan hệ giữa các tập hợp dữ liệu, các quy trình nghiệp vụ và dữ liệu
• Kiến trúc ứng dụng: Xác định mô hình ứng dụng, giao diện người – máy, cơ chế xử lý, các quy tắc nghiệp vụ
• Kiến trúc kỹ thuật: Thể hiện các mô hình dữ liệu vật lý, thiết kế hệ thống kỹ thuật, công nghệ và các cơ chế trình diễn, thiết kế các thủ tục và cơ chế kiểm soát.

Các thành phần mở rộng gồm:
• Các tiêu chuẩn, chính sách: Xác định các tiêu chuẩn, đề xuất các chính sách cho từng bộ phận cấu thành
• Kiến trúc an ninh: Xác định các yêu cầu và giải pháp về an ninh cho toàn bộ tổ chức, đặc biệt là an ninh dữ liệu
• Kiến trúc dịch vụ: Xác định cách thức cung cấp dịch vụ của tổ chức.
Đến tháng 11/2010, trong cả nước chỉ có TP.Đà Nẵng là đã xây dựng hoàn chỉnh kiến trúc tổng thể CPĐT (Kết quả của dự án CNTT-TT TP.Đà Nẵng). Khung kiến trúc tổng thể được đề xuất cho TP.Đà Nẵng có các thành phần được mô tả trong hình.

Nguyễn Tuấn Hoa